Friday, April 11, 2014

Quốc hội tức là dân?


Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.( ở đây)

Để cho dễ hiểu, câu này nên triển khai hết các ẩn ý của nó ra, sau đó ta sẽ phân tích. Câu trên nên được viết đầy đủ như sau:

"Dân bầu lên Quốc Hội, nên quốc hội tức là dân; quốc hội quyết sai cũng như dân quyết sai, dân quyết sai nên dân phải chịu, dân phải chịu nên không ai trong quốc hội bị kỷ luật".

Khi triển khai đầy đủ ra như thế này ta thấy ông CTQH chỉ cần xử dụng hai đối tượng là QH và Dân thôi, nhưng rất uyển chuyển và khôn khéo, tóm lại tất cả những gì sai lầm là của dân, còn QH không phải chịu tội gì cả.

Ta cùng phân tích kỹ hơn từng mệnh đề ở trên để thấy sự ngụy biện ở trên:
"Dân bầu lên quốc hội nên quốc hội tức là dân". Đây là kiểu ngụy biên A->B nên A là B. đây là một kiểu ngụy biện phi logic. Nhưng hiểm ở chỗ mệnh đề A->B bị ẩn (nên ở đây tôi phải đoán mò), khiến cho chỉ cho người nghe khó lòng tìm ra cái logic sai của nó.

"dân quyết sai thì dân chịu" mệnh đề này bản thân nó nếu đứng một mình thì không sai, nhưng khi nó được ông CTQH dùng trong trường hợp này, phải nói là hết sức khôn ngoan thì nó lại là sai. Vì ở đây có 2 từ dân, nhưng bản thân 2 từ dân lại mang 2 ý nghĩa khác nhau, từ dân đầu tiên mang ý ẩn dụ là quốc hội (vì nó bị gắn với câu trước, quốc hội tức là dân), còn dân thứ 2 mới là dân "thứ thiệt".

"dân phải chịu nên không ai trong quốc hội bị kỷ luật": lúc này từ dân và quốc hội lại được trả về đúng nghĩa của nó.

Như vậy sau khi đi một vòng đánh tráo khái niệm qua từ dân, ông chủ tịch quốc hội nguyễn sinh hùng đã phủ sạch tội của quốc hội.

--------------------------------
Tuy nhiên với cách lập luận của ông Hùng tôi có thể lập luận vui thế này:
Quốc hội tức là dân, nên dân ăn cắp thì quốc hội phải chịu.
Quốc hội tức là dân, nên dân hôi của thì quốc hội phải chịu.

Còn các vị tham nhũng thì lập luận thế này:
Quan tức là dân, nên quan tham nhũng thì dân phải chịu.

Hay thật, cảm ơn ông Nguyễn Sinh Hùng



Thursday, April 10, 2014

Kinh tế thị trường xhcn?

PTT Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu khá thú vị:
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ rệt"

Không hiểu nghĩa của bác này thế nào:
Nếu hiểu đây là mệnh đề A dẫn đến B thì có lẽ là khái quát hóa vội vã, bởi cái B có thể được hình thành từ nhiều yếu tố.
Còn nếu ý bác Phúc là Kinh tế thị trường XHCN mạnh hơn kinh tế thị trường ko XHCN thì .... mọi người nghĩ xem đây là ngụy biện gì nhé :)


http://laodong.com.vn/chinh-tri/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-lam-suc-manh-quoc-gia-tang-len-ro-ret-184752.bld

Wednesday, April 9, 2014

Ngụy biện Trường Chinh

-Thực tế bài này ko có ý nói xấu gì ông Trường Chinh cả mà chỉ là tập hợp các bài liên quan tới việc quy hoạch đường Trường Trinh và chỉ ra các lỗi ngụy biện liên quan.


  1. Hình ảnh ngụy biện

Một lỗi gặp rất nhiều ở các báo khi đưa bài về đường Trường Chinh là sử dụng hình ảnh minh họa không đúng. Rất nhiều các bài báo sử dụng hình ảnh chụp đoạn đang thi công để minh họ đường Trường Trinh cong.
Theo lãnh đạo TP. Hà Nội, xây dựng đường Trường Chinh mở rộng đã chọn phương án ít phải giải phóng mặt bằng, để giảm chi tiêu ngân sách cho nhà nước, hơn nữa vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thì dù cong, hay thẳng không còn là vấn đề quan trọng.Ảnh: Bá Đô
(nguồn tại đây)

nhưng thực tế hình này không thể hiện được cái cong cần phản ánh trong bài, vì đường cong này là do đang thi công, trong khi cái cong cần phản ánh là cong do quy hoạch.
Nên hình minh họa sau đây sẽ chính xác hơn:
truongchinh-4446-1396409913-2535-1396957

(nguồn tại đây)

2. Cong hình gì?
- Các bài báo thì đưa ra bảo cong ghi đông xe.
- còn quan chức thì bảo là cong mềm mại
Điều thú vị là cả hai phía đều đang sử dụng ngụy biện lợi dụng ngôn từ, bởi việc miêu ta đường cong như thế nào hoàn toàn không quan trọng, bởi vấn đề chính phải giải quyết vẫn là: có bẻ đường để né nhà quan chức hay không? làm đường cong hay đường thẳng cái nào có ích hơn?

3. Ngụy biện của quan chức trong bài Hà Nội phủ nhận bẻ cong đường để né nhà quan chức

Trong bài này phần trả lời của ông Nguyễn Văn Thịnh có khá nhiều điều "thú vị":
quá trình triển khai lập quy hoạch, phê duyệt chỉ giới đường đỏ và đầu tư thực hiện dự án này được thực hiện nghiêm túc (ngụy biện tác phong), đúng quy định của pháp luật , có sự đồng thuận của các cơ quan liên quan.(ngụy biện quyền lực, ngụy biện số đông)

--> Trong câu trên ta thấy chỉ có mỗi câu đúng quy định của pháp luật là có giá trị, tuy nhiên cái nội dung giá trị này lại không trả lời được câu hỏi chính là có bẻ cong để né nhà quan chức không?

Nói về việc đường Trường Chinh thẳng thành cong sau quy hoạch, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông), chuyên gia nghiên cứu về giao thông Hà Nội hơn 30 năm qua nhận định, việc thay đổi về quy hoạch, tạo đường cong cho tuyến đường về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thông và nó cong ở mức cho phép. (kết luận lạc đề)

Tiến sĩ Thủy nhìn nhận vấn đề ở đây có thể là chi phí đền bù, đơn cử nếu đường đi thẳng nhưng vào các cơ quan nhà nước, quốc phòng an ninh, ảnh hưởng 1.000 tỷ còn nếu vào nhà dân cong ảnh hưởng 300 tỷ thì việc làm đường cong sẽ hợp lý. Tuy nhiên nếu việc làm đường cong để giảm thiểu tiền giải phóng mặt bằng thì cũng cần giải thích rõ cho người dân hiểu, để tránh sự hiểu lầm gây phản ứng không tốt. (lợi dụng giả thuyết: ở đây ông Thủy chỉ giả sử là làm đường cong rẻ hơn thôi, chứ không hề chứng minh nó)





Friday, March 28, 2014

Thêm một bài ngụy biện đánh lại lá tâm thư của người Nhật

Lại một bài phản biện tâm thư của người Nhật nữa. Tuy nhiên bài này lại mắc một vài lỗi ngụy biện, xin tiếp tục chỉ ra ở đây cho mọi người cùng rút kinh nghiệm. Lần này mình xin phép chỉ ra bằng cách comment ngay trên bài viết của tác giả. Những chữ màu đỏ là comment của mình, còn chỗ nào mình gạch chân là nhấn mạnh phần ngụy biện của tác giả, còn lại là bản gốc của được copy sang.
------------------------------------

Coi thường người Việt - du học sinh Nhật đang mất cội nguồn

 42 thảo luận27/03/14 08:16
(GDVN) - Tác giả khinh bỉ những người Việt Nam chỉ sạch trong nhà và bẩn ngoài phố. Tại Việt Nam, tác giả có sẵn sàng cầm chổi đi quét ở bên ngoài nhà hay không?
Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia châu Á có những nét gắn kết rất đặc biệt. Cụ Phan Bội Châu đã có thời gian hoạt động tại Nhật Bản. Chúng ta còn nhớ Giáo sư Lương Định Của có người vợ Nhật Bản đã theo chồng về Việt Nam trong thời kỳ gian khó.
Trong cuộc sống hàng ngày các chuyên gia Nhật Bản hay những người dân Nhật Bản luôn luôn hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều binh sỹ Nhật đã sát cánh cùng Việt Minh. Những năm gần đây, Nhật Bản luôn luôn là quốc gia viện trợ và giúp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam.

Đối với dân tộc Việt Nam, người dân Nhật luôn luôn có những thiện chí và tình cảm đặc biệt.

Cách đây vài ngày có bài báo tác giả tự nhận là người Nhật sống tại Việt Nam và có những nhận xét không tốt về văn hóa Việt Nam.
--> Tác giả nếu một số dẫn chứng về quan hệ tốt đẹp giữa VN và Nhật Bản, sau đó kết luận rặng bài viết cần phản biện có những nhận xét không tốt về văn hóa VN. Có vẻ như tác giả đang mở màn bài phản biện của mình bằng cách tấn công vào người Viết và đánh vào tình cảm của người đọc Việt khi dùng "nhận xết không tốt về văn hóa Việt Nam".  Tác giả dùng cùng lúc 2 loại ngụy biện: công kích cá nhân và ngụy biện cảm tính.
Cá nhân cũng như bất kỳ một quốc gia nào cũng có những điểm yêu và ghét. Người dân Nhật Bản cũng chẳng vì những hạt sạn trong hành xử của người dân Việt Nam để ghét toàn bộ dân tộc chúng ta.
Mỗi xã hội đều có những thành phần cần được chấn chỉnh và hoàn thiện. Quan trọng nhất là hai dân tộc cùng có những điểm tốt từ lịch sử chung để phát triển về tương lai.

Tác giả khinh bỉ những người Việt Nam chỉ sạch trong nhà và bẩn ngoài phố. Tại Việt Nam, tác giả có sẵn sàng cầm chổi đi quét ở bên ngoài nhà hay không.
--> tác giả tiếp tục dùng từ đánh vào cảm tính "khinh bỉ". 
Và luận điệu rằng khi người Nhật này không cầm chổi quét ngoài đường thì cũng không nên chỉ trích là một ngụy biện dạng "anh cũng vậy" (số 44 trong bài thói ngụy biện ở người Việt). 
Tại sao không thắc mắc có những người Nhật rất yêu Việt Nam và tới để giúp đất nước Việt Nam trở nên đẹp đẽ và hoàn thiện hơn.
Lòng thương người và tinh thần cộng đồng là những giá trị nhân bản cốt lõi nhất tạo ra văn hóa nước Nhật tác giả đang thụ hưởng.
Khi các bạn bè Nhật Bản đọc những suy nghĩ của bạn thì thái độ sẽ không vui (sao biết hay vậy?) khi thấy tác giả đang đánh mất đi cái cội nguồn của một con người – lòng thương người.
--> Tác giả lại cùng một lúc dùng 2 ngụy biện: ngụy biện giả thuyết và công kích cá nhân.


Tác giả thắc mắc vì 4000 năm văn hiến không được thể hiện trong văn hóa đối xử giữa người Việt Nam lẫn nhau. Chúng tôi cũng thấy và nhiều người khác cũng thấy.
Câu hỏi kế tiếp ở đây không nên nhắc lại những gì mọi người đã biết, (tại sao không nên nhắc lại, nhỡ có người không biết thì sao, ở trên vừa bảo là nhiều người, ở dưới đã bảo là mọi người, nhiều và mọi là khác nhau đấy nhé) đã nói mà quan trọng là tác giả hành xử như thế nào. Đất nước Việt Nam rất cần những người khách tới và mang lại những điều tốt đẹp cho chúng tôi. 
--> Tác giả lại ngầm ám chỉ người Nhật này không mang lại những điều tốt đẹp. Một loại ngụy biện "nhét chữ vào miệng người khác" được cải trang rất tinh vi. Với tôi lá tâm thư đấy mang lại những thứ tốt đẹp đấy chứ, nó giúp người Việt nhìn lại mình

Tác giả cũng viết rất nhiều những thói xấu của người Việt Nam. Điều đó đúng và chúng tôi không thỏa hiệp với những thói xấu đó. (không thỏa hiệp sao nó tồn tại lâu vậy???)
Những hiện tượng mà tác giả nói đến thường xảy ra chứ không phải xảy ra liên tục. Bản thân chúng tôi cũng đang đấu tranh và hướng tới những điều tốt đẹp như bản thân nhân dân Nhật Bản đã làm và duy trì trong cuộc sống.

Những hiện tượng trong lòng Nhật Bản như kinh tế đang thiểu phát, sức sáng tạo của các tập đoàn Nhật Bảng đang dần bị mất đi, sức ép khủng khiếp lên vai những người lao động Nhật.(nêu cái này ra để làm gì? )
Trong bài viết, tác giả có đề cập tới rất nhiều chữ nhất liên quan tới Nhật Bản. Đúng như vậy nhưng không một quốc gia nào chỉ có toàn chữ Nhất.
Những cái đấy người Việt Nam chúng tôi biết rất rõ vì thế giới là phẳng. Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ phê phán chỉ trích một ai vì chúng tôi hiểu không ai lại muốn những vấn đề và nỗi khổ xảy ra với chính mình.
(hơi tối nghĩa, nhưng có thể hiểu là bác này bảo tôi không chỉ trích anh thì anh cũng đừng chỉ trích tôi, Ngụy biện ôn hòa)
Cũng như thế, tôi tin rằng nhân dân Việt Nam cũng chẳng vì một thiểu số ít ỏi như bạn dẫn tới ác cảm với người Nhật Bản vì chúng tôi hiểu rằng nhân dân Nhật Bản luôn yêu quý và giúp đỡ nhân dân Việt Nam.

Điểm “mù" trong y khoa là điểm mà mắt chúng ta không nhìn thấy được do cấu tạo của mắt. Điểm “mù" tồn tại khách quan với chúng ta.
Rất ngạc nhiên tới năm 1668 mới phát hiện ra điểm mù (1) trong thị giác. Tất cả con người đều có những “điểm mù" cố hữu nhưng nếu chúng ta hiểu nó và chấp nhận nó thì cuộc sống vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp đang chờ đón bạn. “Mù" hay không “Mù" chỉ khác chúng ta đứng ở góc độ như thế nào và nhìn vào cái gì. Cuộc sống vẫn tốt đẹp bất chấp những suy nghĩ hằn học và thiếu thiện cảm (tiếp tục đánh vào cảm tính và công kích cá nhân) của một cá nhân.




http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Coi-thuong-nguoi-Viet--du-hoc-sinh-Nhat-dang-mat-coi-nguon-post142079.gd


Ngụy biện và tình yêu

Câu chuyện cười sau đây sẽ giúp mọi người hiểu hơn về ngụy biện dưới một góc nhìn vui vẻ hơn :)
Câu chuyện này cũng được viết trong cuốn "những trò ngụy biện biến sai thành trái" với một phiên bản Việt Nam hơn, vui vẻ hơn (theo ý kiến chủ quan của tôi).
Bạn cũng có thể nghe cuốn sách trên ở đây.
 --------------------------------------------
Ngụy biện và tình yêu
Mác Sun-man

... Từ lâu tôi đã muốn chiếm được Po-lie-xpai. Xin nói rõ thêm rằng lòng mong muốn này của tôi, về thực chất, không thuộc phạm trù tình cảm. Dĩ nhiên, Po-li là một cô gái làm mọi người xúc động, nhưng tôi không phải loại người để trái tim chi phối cái đầu. Tôi muốn có Po-li vì một lý do được cân nhắc kỹ càng, hoàn toàn có tính chất lý trí.

Tôi đang học năm thứ nhất trường Luật. Vài năm nữa, tôi sẽ ra trường hành nghề. Tôi biết rất rõ tầm quan trọng của kiểu người vợ khả dĩ đem lại thành công rực rỡ cho một luật sư. Những luật sư ăn nên làm ra mà tôi đã quan sát, hầu như không trừ một ai, đều có vợ là những phụ nữ đẹp, duyên dáng, thông minh. Po-li hoàn toàn đáp ứng điều đó, trừ một phương diện.

Cô ta đẹp, cái đó đã hẳn. Tuy cô chưa có kích thước của một "hoa hậu", nhưng tôi tin chắc là thời gian sẽ bổ sung vào những thiếu sót đó. Cô ta đã có sẵn những tiền đề rồi.

Cô ta rất duyên dáng, đó cũng là một điều chắc chắn. Tôi muốn nói là vẻ người cô ta rất hấp dẫn, dáng vóc thanh mảnh, phong thái, tự nhiên, cử chỉ tỏ rõ là con nhà nề nếp loại nhất. Cung cách cư xử ăn uống của cô thật là không chê vào đâu được.

Nhưng cô ta không thông minh. Nói thật tình, cô ta còn có vẻ đi theo hướng ngược lại. Nhưng tôi tin rằng dưới sự hướng dẫn của tôi, cô sẽ trở nên thông minh. Dẫu sao thì cũng đáng công thử xem thế nào. Xét cho cùng, làm cho một cô gái đẹp ngu đần trở thành thông minh còn dễ hơn là làm cho một cô gái thông minh nhưng xấu trở thành đẹp.

Cuộc hẹn gặp đầu tiên của tôi với Po-li có tính chất một cuộc điều tra. Tôi muốn tìm hiểu xem tôi sẽ phải làm gì để nâng trí tuệ của cô ta lên tới cái mức cần thiết. Trước hết tôi đưa Po-li đi ăn.

- Trời, bữa ăn ngon tuyệt - Po-li nói sau khi chúng tôi rời khỏi hiệu ăn.

Rồi tôi đưa cô đi xem chiếu bóng.

- Trời, phim hay tuyệt - Po-li nói sau khi chúng tôi rời khỏi rạp.

Sau đó tôi tiễn cô về nhà.

- Trời, hôm nay đi chơi tuyệt quá! - Po-li nói sau khi tạm biệt tôi, chúc tôi ngủ ngon.

Tôi trở về nhà, lòng nặng trĩu. Tôi đã đánh giá quá thấp khối lượng công việc tôi đã phải làm. Cô gái thiếu hiểu biết một cách khủng khiếp! Mà chỉ cung cấp hiểu biết cho cô ta thôi cũng không đủ. Trước hết mọi chuyện, phải dạy cho cô ta biết suy nghĩ. Chuyện này có vẻ là một nhiệm vụ không phải nhỏ. Và thoạt đầu, tôi đã có ý buông cô ta cho Pi-ti Be-lô, một anh chàng vẫn ve vãn cô. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến khuôn mặt, thân hình đẹp đẽ, hấp dẫn của cô, cái cách cô bước vào một căn phòng và cái lối cô cầm dao, cầm dĩa, thế là tôi quyết định sẽ cố gắng một phen.

Tôi đi vào công việc này một cách có kế hoạch, có hệ thống, như trong mọi việc tôi làm. Trước hết tôi dạy cô về lô-gíc. Tôi học Luật và đang học môn Lô-gic, cho nên nắm rất vững vấn đề. Lần gặp sau tôi bảo Po-li :

- Này em, tối nay chúng ta đi chơi nói chuyện.

- Ô, tuyệt quá! - Po-li đáp.

Chúng tôi tới công viên, ngồi dưới một gốc cây sồi cổ thụ và cô nhìn tôi, vẻ chờ đợi :

- Chúng ta nói chuyện gì bây giờ, hở anh ?

- Nói chuyện về lô-gíc.

Po-li suy nghĩ một lát rồi quyết định là cô ta thích vấn đề đó:

- Tuyệt!

Tôi hắng giọng:

- Lô-gíc là khoa học về tư duy. Trước khi biết cách suy nghĩ đúng đắn, trước hết chúng ta phải học cách nhận ra những cái ngụy biện thông thường của lô-gíc. Tối nay chúng ta nói về vấn đề đó.

- Tuyệt! - Po-li vỗ tay ra vẻ rất thích thú.

Tôi chớp mắt nhưng vẫn dũng cảm tiếp tục:

- Trước hết, chúng ta hãy nghiên cứu cái ngụy biện gọi là "phép đơn giản hóa".

- Ôi, anh nói đi - Po-li giục tôi, hai hàng lông mi chớp chớp, chờ đợi.

- Phép đó trỏ một lý lẽ dựa trên một sự-khái quát hóa không đúng. Thí dụ: tập thể dục là tốt. Do đó ai ai cũng phải tập thể dục.

- Đồng ý! Em đồng ý đấy. - Po-li hăm hở - ý em muốn nói là tập thể dục rất tuyệt, nó làm cho cơ thể cân đối, đẹp ra và vân vân...

Tôi nhẹ nhàng bảo:

- Po-li, lý lẽ đó là ngụy biện. "Tập thể dục là tốt" là một khái quát hóa không đúng. Chẳng hạn, nếu ta đau tim, thì tập thể dục là không tốt, mà còn là có hại. Nhiều người được bác sĩ dặn là không được tập. Cho nên ta phải xác định cho đúng sự khái quát hóa đó: phải nói là "tập thể dục, thường là tốt" hay là "tập thể dục là tốt đối với nhiều người". Nếu không ta sẽ phạm phải cái lối ngụy biện "đơn giản hóa". Em rõ chưa nào?

- Chưa. - Po-li thú thật - Nhưng hay lắm! Anh nói nữa đi!

- Em đừng giật tay áo anh như thế. - Tôi bảo, rồi nói tiếp - Rồi đến lối ngụy biện gọi là "Khái quát hóa vội vã". Em hãy nghe cho kỹ: Anh không nói được tiếng Pháp, em không nói được tiếng Pháp. Pi-ti Be-lô không nói được tiếng Pháp. Do đó anh phải kết luận rằng ở trường đại học Mi-nê-xô-ta này, chẳng ai nói được tiếng Pháp cả.

- Thật à? - Po-li ngạc nhiên hỏi - Không ai nói được à?

Tôi cố gắng che giấu nỗi thất vọng, bực dọc:

- Po-li, đấy là một ngụy biện. Khái quát hóa quá vội vã. Có quá ít thí dụ để đảm bảo cho một kết luận như vậy.

Po-li hối hả giục:

- Anh còn biết những ngụy biện gì nữa không? Thật là tuyệt, có lẽ còn tuyệt hơn cả khiêu vũ nữa chứ!

Tôi cố gạt đi nỗi thất vọng đang dâng lên trong lòng. Tôi đang làm một việc uổng công với cô gái này, có lẽ chẳng đi đến đâu cả. Nhưng được cái là tôi kiên nhẫn nên vẫn tiếp tục:

- Rồi đến lối ngụy biện "Nhân quả sai". Em nghe đây : chúng ta đừng nên rủ Bin đi chơi nông thôn. Mỗi lần rủ anh ta đi là trời lại mưa.

Po-li thốt lên :

- Đúng thế đấy! Em biết có một người như vậy. Một cô gái, tên là Ơ-la Bếc-cơ, không sai một lần nào. Cứ có cô ta đi cùng là y như rằng trời mưa...

Tôi hơi gắt :

- Po-li, đó là ngụy biện. Ơ-la Bếc-cơ không làm ra mưa. Cô ta chẳng liên quan gì đến trời mưa hết. Em đã phạm vào ngụy biện nếu em trách cứ Ơ-la Bếc-cơ về chuyện trời mưa.

Po-li tiu nghỉu hứa :

- Vâng, em sẽ không bao giờ làm thế nữa. Anh giận em đấy à ?

Tôi thở dài :

- Không, Po-li, anh không giận em.

- Thế anh nói nữa về ngụy biện đi!

- Ta hãy xem xét lối "tiền đề mâu thuẫn"

- Vâng, vâng, anh nói đi. - Po-li nói, ánh mắt sáng lên vì sung sướng.

Tôi hơi cau mày, nhưng đã trót đâm lao ...

- Đây là một thí dụ : Nếu Chúa làm được mọi việc, vậy thì liệu Chúa có thể làm ra được một tảng đá mà Chúa không thể nhấc lên nổi không ?

- Tất nhiên là được rồi còn gì nữa. - Po-li đáp ngay.

- Nhưng em không thấy là nếu Chúa có thể làm được bất cứ việc gì, thì Chúa có thể nhấc nổi hòn đá chứ ?

- Ừ nhỉ. - Po-li có vẻ suy nghĩ - Thế thì có lẽ là Chúa không làm được hòn đá đó.

- Nhưng Chúa làm được mọi chuyện cơ mà ! - Tôi nhắc.

Po-li gãi gãi cái đầu xinh đẹp nhưng trống rỗng của cô, cuối cùng cô thú nhận :

- Em chẳng biết thế nào nữa.

- Dĩ nhiên là em biết làm sao được. Vì khi tiền đề của một lý lẽ mâu thuẫn với nhau thì không thể có lý lẽ được nữa. Nếu như có một sức mạnh không gì cưỡng nổi thì không thể có một vật gì không thể lay chuyển được. Nhưng nếu có một vật không thể lay chuyển được thì tất nhiên là không thể có một sức mạnh không gì cưỡng nổi. Rõ chưa ?

- Anh nói cho em nghe rõ thêm nữa đi. - Po-li hăng hái nói.

Tôi nhìn đồng hồ :

- Có lẽ tối nay nên dừng lại ở đây thì hơn. Bây giờ anh đưa em về, em sẽ ôn lại tất cả những cái đã học. Tối mai chúng ta sẽ tiếp tục học bài mới.

Tôi đưa Po-li về ký túc xá của cô. Cô cho tôi biết là cuộc đi chơi trò chuyện tối đó thật là tuyệt. "Cực kỳ đấy!" - Cô nói. Còn tôi thì buồn rầu trở về chỗ tôi ở. Có vẻ dự định của tôi sẽ thất bại mất thôi. Cô gái rõ ràng là có cái đầu không hiểu nỗi lô-gíc.

Nhưng rồi tôi lại nghĩ lại. Tôi đã phí mất một buổi tối. Mất một buổi nữa cũng chẳng sao. Biết đâu đấy. Có thể đâu đó trong cái trí óc tắt ngấm của cô ta vẫn còn âm ỉ vài cục than hồng, biết đâu tôi chẳng làm cho chúng bùng cháy lên. Đành rằng chẳng có nhiều nhặn hi vọng gì, nhưng tôi quyết định thử thêm một lần nữa.

Tối hôm sau, ngồi dưới gốc cây sồi, tôi bảo :

- Ngụy biện mà tối nay chúng ta đề cập đến là "Dùng thương hại làm mủi lòng".

Po-li run lên vì thích thú.

- Em hãy nghe cho kỹ nhé. Một người đi xin việc. Khi ông chủ hỏi khả năng chuyên môn của anh ta thì anh ta trả lời là anh ta có một vợ và sáu con, vợ thì què quặt không làm được gì, con cái thì chẳng có gì ăn, không có áo mặc, chân không có giày, nhà thì không có giường, không có than mà mùa đông lại sắp tới ...

Môt giọt nước mắt lăn trên gò má hồng của Po-li. Cô sụt sịt :

- Ôi, thật là thảm quá !

- Đúng, thật là thảm. - Tôi đồng ý - Nhưng đó không phải là một lý lẽ. Người kia đã không trả lời vào câu hỏi của chủ về khả năng chuyên môn của anh ta mà lại đi kêu gọi lòng thương của chủ. Anh ta đã phạm vào ngụy biện "Dùng thương hại làm mủi lòng". Em hiểu chưa ?

Cô ấp úng :

- Anh có khăn mùi xoa đấy không ?

Tôi đưa mùi xoa cho cô và cố nén tiếng hét đang ứ lên cổ trong khi cô ta lau nước mắt. Tôi cố kiềm chế giọng nói của mình cho bình thường :

- Bây giờ ta bàn đến "Loại suy sai". Đây là một thí dụ : Sinh viên phải được phép nhìn vào sách giáo khoa trong khi thi. Xét cho cùng thì các nhà phẫu thuật trong khi mổ, có máy X-quang hướng dẫn, luật sư khi cãi trước tòa, có giấy tờ, văn bản trong tay, thợ mộc dựng nhà có bản thiết kế hướng dẫn... Vậy thì tại sao sinh viên lại không được phép xem sách khi thi ?

Po-li hăng hái nói :

- Ồ, đúng là một ý cực kỳ hay mà nhiều năm nay em chưa từng nghe thấy.

Tôi nói sẵng :

- Po-li. Lý lẽ đó hoàn toàn sai. Bác sĩ, luật sư, thợ mộc, ... không phải là đang thi để xem họ đã học được những gì, khác với anh sinh viên. Hoàn cảnh họ hoàn toàn khác, không thể loại suy được.

- Em vẫn cho đó là một ý cực kỳ ... - Po-li nói.

- Cực kỳ... con khỉ - tôi lầm bầm, nhưng tôi vẫn ngoan cường tiếp tục - Sau đây ta xét đến ngụy biện "Giả thuyết trái với thực tế".

- Nghe có vẻ hay đấy nhỉ - Po-li nói.

- Em nghe đây : Nếu bà Quy-ri không tình cờ để quên một phim ảnh trong ngăn kéo cùng với một mẩu quặng Ra-đi-um thì ngày nay thế giới chẳng biết gì về Ra-đi-um hết.

- Đúng - Po-li gật gật - Anh có xem phim không ? Chà, thật là mê li ! Tài tử Oanh-tơ Pít-giơn thật là hết ý!...

- Em có thể quên cái nhà ông Pít-giơn đó đi một lát được đấy - Tôi lạnh lùng nói - Anh muốn chỉ ra rằng lời tuyên bố đó là một ngụy biện. Có thể bà Quy-ri sẽ tìm ra Ra-đi-um một ngày nào sau đó. Có thể một người khác sẽ tìm ra. Không thể bắt đầu bằng một giả thuyết không thật rồi từ đó rút ra những kết luận có cơ sở được.

- Đáng lẽ ra họ phải để Oanh-tơ Pít-giơn đóng nhiều phim hơn mới phải. - Po-li nói - Em chẳng được xem thêm phim nào có anh ta nữa.

Tôi quyết định thử một lần cuối cùng. Chỉ một lần nữa thôi. Máu thịt con người chịu đựng cũng có giới hạn.

- Ngụy biện tiếp theo được gọi là "Bỏ thuốc độc vào giếng".

- Ồ, kỳ lạ nhỉ ? - Po-li trố mắt.

- Hai người tranh luận với nhau. Người thứ nhất đứng dậy nói "Đối phương của tôi là một tay nói dối có tiếng. Các ngài không thể tin được một lời nào của anh ta đâu." ... Po-li, bây giờ em nghĩ đi. Nghĩ cho kỹ. Sai ở đâu?

Tôi chăm chú nhìn cô ta trong lúc cô nhíu tít cặp lông mày mượt mà, cong vút. Bỗng một ánh thông minh lóe lên - ánh đầu tiên tôi thấy - trong mắt cô. Cô công phẫn nói:

- Thế là không công bằng. Hoàn toàn không công bằng. Người thứ nhất bảo người thứ hai là một kẻ nói dối ngay cả trước khi người thứ hai mở miệng thì người này còn có hi vọng gì nữa?...

- Đúng ! - Tôi phấn khởi kêu to - Đúng một trăm phần trăm ! Người thứ nhất đã "bỏ thuốc độc vào giếng" trước khi mọi người uống nước giếng. Anh ta đã hãm hại đối phương trước khi người này bắt đầu... Po-li, anh rất tự hào về em...

- Ồ! - Cô lẩm bẩm, mặt đỏ lên vì sung sướng.

- Em thân mến, em thấy không, có gì là khó đâu ? Chỉ cần em tập trung suy nghĩ thôi... Suy nghĩ - nghiên cứu, đánh giá. Bây giờ ta ôn lại tất cả những gì ta học nhé !

- Anh cứ hỏi đi. - Po-li khẽ vung bàn tay, bình tĩnh nói.

Phấn khởi vì thấy Po-li cũng không phải là ngu đần gì, tôi kiên nhẫn nhắc lại tất cả những điều tôi đã giảng giải. Tôi nêu lên nhiều thí dụ, chỉ ra những chỗ sai, ra sức phân tích không biết mệt, cứ như là đào hầm vậy... Tôi không biết lúc nào thì ra tới ánh sáng mà liệu có ra được tới ánh sáng không đây. Nhưng tôi kiên trì đào, bới, cuốc, cào... Và cuối cùng tôi đã thành công, tôi đã thấy hé ra một ánh sáng. Rồi ánh sáng đó lớn dần và mặt trời lùa vào, mọi thứ đều sáng rực.

Mất năm tối cả thảy, nhưng thật là bõ công. Tôi đã biến Po-li thành một người tinh thông lô-gíc. Tôi đã dạy cho cô biết suy nghĩ. Công việc của tôi đã xong. Cuối cùng cô đã xứng đáng với tôi. Đúng là một người vợ thích hợp cho tôi, xứng đáng với nhà cao cửa rộng tôi sẽ có sau này, một người mẹ thích hợp với những đứa con thông minh, xinh đẹp của tôi...

Đừng nghĩ rằng tôi không yêu Po-li. Trái lại. Cũng như Píc-ma-li-ôn yêu tượng người phụ nữ hoàn hảo mà ông đã tạc ra, tôi yêu người con gái mà tôi đã đào tạo nên. Tôi quyết định ngỏ cho cô ta biết tình cảm của tôi vào buổi gặp sắp tới. Đã đến lúc phải biến chất mối quan hệ giữa chúng tôi, từ tính chất kinh viện sang tính chất lãng mạn.

- Po-li - tôi nói, khi chúng tôi ngồi dưới cây sồi - Tối nay, chúng ta sẽ không nói đến những ngụy biện nữa.

- Ồ! - Cô nói, có vẻ thất vọng.

- Em thân yêu - Tôi hạ cố mỉm cười với cô - Chúng ta đã ngồi với nhau năm tối rồi. Năm tối rất tốt đẹp. Rõ ràng là chúng ta rất hợp với nhau.

- "Khái quát hóa vội vã" - Po-li nhắc lại - Làm sao anh có thể nói được là chúng ta rất hợp nhau trên cơ sở có năm cuộc gặp gỡ thôi?

Tôi tặc lưỡi, thú vị. Cô bé học thuộc bài quá.

- Em ạ. - Tôi vuốt ve bàn tay cô một cách khoan dung - Năm lần gặp nhau là quá đủ rồi. Xét cho cùng, em chẳng cần ăn hết một cái bánh ga-tô mới biết là bánh ngon chứ?

- "Loại suy sai" - Po-li nói ngay - Em không phải là một cái bánh ga-tô, em là một cô gái.

Tôi tặc lưỡi, lần này kém phần thú vị hơn lần trước. Có lẽ cô bé học bài thuộc quá mức cần thiết. Tôi quyết định đổi chiến thuật. Rõ ràng phương pháp tốt nhất là tỏ tình một cách đơn giản, mạnh mẽ, trực tiếp. Tôi ngừng một lát trong khi khối óc đồ sộ của tôi lựa chọn những lời lẽ thích đáng. Rồi tôi bắt đầu:

- Po-li, anh yêu em. Em là tất cả vũ trụ đối với anh, là mặt trăng, là những ngôi sao, những chòm tinh tú trong không gian. Em thân yêu, em hãy nói là em sẽ sống suốt đời với anh vì nếu không thì cuộc đời đối với anh sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Anh sẽ khô héo, tàn tạ, anh sẽ không ăn, không ngủ, đi lang thang trên mặt đất này như một bóng ma âu sầu, thui thủi...

Tôi khoanh tay lại, chắc là phải "ăn tiền" rồi.

- "Dùng thương hại làm mủi lòng". - Po-li nói.

Tôi nghiến răng ken két. Tôi không phải là Píc-ma-li-ôn, tôi là Phrăn-ken-xten và con quỷ đang bóp cổ tôi. Tôi cuống cuồng đẩy lùi làn sóng hoảng hốt đang tràn lên trong lòng. - Bằng bất cứ giá nào, tôi phải bình tĩnh - Tôi gượng cười:

- Ồ, Po-li, em thuộc bài về ngụy biện quá nhỉ?

- Đúng thế! - Po-li gật mạnh đầu.

- Thế ai dạy em?

- Anh chứ ai nữa?

- Đúng. Vậy là em cũng nợ anh một cái gì đó, phải không em? Nếu không có anh, em chẳng bao giờ biết về ngụy biện.

- "Giả thuyết trái với thực tế". - Po-li lại nói ngay.

Tôi quệt mồ hôi trán.

- Po-li, - Giọng tôi khàn khàn - Em không nên hiểu những cái đó máy móc quá! Anh muốn nói đó chỉ là những chuyện ở trường học thôi. Em cũng biết đấy, chuyện sách vở ấy mà, nào có ăn nhằm gì với đời sống thật đâu!

- Lại "đơn giản hóa" rồi. - Po-li vừa nói vừa vui vẻ trỏ vào mặt tôi.

Tôi không nhịn được nữa, vùng đứng lên, rống như một con bò:

- Thế em có bằng lòng lấy anh không thì bảo?

- Không. - Cô đáp.

- Tại sao?

- Vì chiều hôm nay em đã hứa hôn với Pi-ti Be-lô rồi mà!

Thursday, March 27, 2014

Thư của du học sinh Nhật và trả lời ngụy biện của một người Việt

Mấy ngày qua nhiều người cùng nhau chia sẻ một bức tâm thư của một người Nhật nói về người Việt, bản thân tôi thấy đó là một bức thư rất tốt, giúp người Việt chúng ta có thêm một lần tự nhìn lại bản thân. Tuy nhiên như một thói quen, cứ khi nào thấy "dân tộc Việt" bị đụng vào là lại có những người dẫy nảy lên. Trong đó có tương đối nhiều người viết phản biện lại, đây là một dấu hiệu vui vì phản biện là một thói quen tốt để đưa xã hội văn minh hơn. Tuy nhiên điều đáng buồn là trong cách phản biện lại có những lý lẽ "ngụy biện". Như tôn chỉ của blog này, tôi sẽ chỉ ra những lỗi ngụy biện đó.

- Tác giả viết: "Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu.Cả thế giới nghiêng mình trước đất nước bị áp bức đã giành được độc lập tự do vì có một Hồ Chí Minh vĩ đại, một Võ Đại tướng huyền thoại cùng cả một thế hệ cha anh đi vào sử sách của nhân loại." 
--> Tác giả cho rằng dân tộc Việt Nam anh hùng bởi 2 lý do : có những người vang danh, và nổi tiếng vì dành được độc lập tự do. Xin hỏi số người VN vang danh khắp thế giới được mấy người? Và so với các nước khác trên thế giới thì như thế nào? Còn dành được độc lập tự do thì hiện giờ còn mấy nước trên thế giới thiếu độc lập?.
Theo quan điểm của tôi, bản thân tiền đề dân tộc anh hùng đã là một sai lầm, bởi đó chỉ là thói quen tự sướng của người Việt với nhau và mang dáng dấp của ngụy biện cảm tính, chứ nếu lấy tiêu chí có nhiều người nổi tiếng thế giới và độc lập để xét độ anh hùng thì chắc VN đứng tương đối thấp trong cái bảng xếp hạng đó.

- Tác giả viết: "Chúng tôi không đúng như những gì bạn nói: "Không có văn hóa xếp hàng" hay vô tổ chức, vô kỷ luật; đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia; manh mún và tham lam, chỉ biết vun vén cho bản thân; chuộng hình thức hơn thực chất; nói một đằng làm một nẻo… đó là loại tính cách và văn hoá của một bộ phận nhỏ hiện nay, nhưng không phải tất cả người Việt đều như vậy.
Tôi thấy, ở Việt Nam, vẫn có những người kiên trì xếp hàng để lên xe buýt, hàng ngàn em nhỏ nhắc nhở cha mẹ dừng đèn đỏ, hàng ngàn học sinh xếp hàng ngay ngắn khi đi tham quan du lịch."
--> Lần này tác giả cho rằng chỉ có một bộ phận nhỏ không biết xếp hàng và lấy lý do phản bác là: người xếp hàng xe buýt và các em nhỏ xếp hàng thăm quan.Thật đáng buồn cái bộ phận biết xếp hàng lên xe buýt của tác giả đưa ra có vẻ mới là bộ phận nhỏ (chưa kể việc lên xe buýt cũng chẳng theo hàng trong thực tế tôi thấy). Còn việc lấy học sinh xếp hàng thăm quan thì tác giả càng nhầm, vì chứ "văn hóa xếp hàng" ngầm định là văn hóa xếp hàng công cộng, tác giả đã đánh tráo khái niệm, trả lời nó bằng văn hóa xếp hàng nơi học đường. Nếu đã lấy ví dụ là các em học sinh xếp hàng sao tác giả không ví dụ luôn là hàng ngàn sĩ quan quân đội diễu binh theo hàng cho nó ngay ngắn ? :) Chưa kể bản thân trong bức thư của người Nhật cũng đã nói " xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học;".
Tất nhiên để kết luận chính xác thực trạng Văn hóa xếp hàng này thì phải có một số liệu thống kê khảo sát một cách khoa học. Nhưng trong lúc chưa có thống kê đó thì mỗi người chúng ta hãy tự quan sát và kiểm chứng xem.

Còn cái phần sau tác giả trình bày gì thì thật sự khó hiểu và chẳng liên quan gì tới việc phản biện bài viết của người Nhật, tôi xin trích nguyên comment của cô Vũ Thị Phương Anh:
"Sau đó thì ông ấy dành quá nửa bài viết để nói lăng nhăng dạy dỗ người khác về những gì cần làm. Ví dụ, không cần dạy con xếp hàng mà chỉ cần người lớn xếp hàng (ồ, vậy sao?); người lớn không được thất hứa với trẻ em (à, cái này mới nghe đó nha), vv và vv."




Đến đây là hết phần của tôi rồi. Sau đây là trích dẫn nguyên bức tâm thư và lời phản biện.
------------------------------
Bức tâm thư của du học sinh người Nhật
"Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.

Tôi có một nước Nhật để tự hào

Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất". Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.

Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.

Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.

Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?"


Trả lời ngụy biện của một người Việt :
Nước Nhật tự hào về văn hóa thì nước Việt tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu.

... (bỏ phần này vì là lời dẫn và giới thiệu tên tuổi người phản biện)
Ngày xưa chúng tôi có “rừng vàng, biển bạc” nhưng nay "vàng" hết, "bạc" cũng dần cạn và chúng tôi cũng không thể trông chờ vào tự nhiên để tồn tại như trước nữa. Biết vậy nên không ít người Việt đã tự thân vươn lên bằng trí tuệ, chất xám. Vì thế mới xuất hiện những nhân vật như: Ngô Bảo Châu, Lê Quang Liêm, Nguyễn Hà Đông, Phạm Nhật Vượng, Đặng Lê Nguyên Vũ...
Nước Nhật tự hào về văn hóa thì nước Việt tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu. Cả thế giới nghiêng mình trước đất nước bị áp bức đã giành được độc lập tự do vì có một Hồ Chí Minh vĩ đại, một Võ Đại tướng huyền thoại cùng cả một thế hệ cha anh đi vào sử sách của nhân loại.
Những người Việt trẻ bây giờ không thể chỉ “trơ mặt” ăn bám vào hào quang quá khứ của cha ông.
Chúng tôi không đúng như những gì bạn nói: "Không có văn hóa xếp hàng" hay vô tổ chức, vô kỷ luật; đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia; manh mún và tham lam, chỉ biết vun vén cho bản thân; chuộng hình thức hơn thực chất; nói một đằng làm một nẻo… đó là loại tính cách và văn hoá của một bộ phận nhỏ hiện nay, nhưng không phải tất cả người Việt đều như vậy.
Tôi thấy, ở Việt Nam, vẫn có những người kiên trì xếp hàng để lên xe buýt, hàng ngàn em nhỏ nhắc nhở cha mẹ dừng đèn đỏ, hàng ngàn học sinh xếp hàng ngay ngắn khi đi tham quan du lịch.
Có thể ví ông, bà, cha, mẹ, người lớn tượng trưng cho cái gốc mà cái gốc không tự ý thức xây dựng vun đắp lại tự đầu độc và phá hủy đi những mầm non tương lai bằng những hành động manh mún tư lợi cá nhân thì cái ngọn cũng dần mục ruỗng.
Để bắt một đứa trẻ vâng lời không khó nhưng để dạy nó văn hóa, truyền thống tốt đẹp thì người lớn phải có văn hóa và hiểu truyền thống mới dạy được. Dạy trẻ không chỉ bằng sách vở và lời nói mà trên hết là hành động.
Theo đó, tôi nghĩ không cần dạy con cách xếp hàng, chỉ cần hàng ngày người lớn xếp hàng khi đi xe buýt, đến quầy thu ngân siêu thị giờ cao điểm, xếp hàng khi đến điểm du lịch… để làm gương cho bọn trẻ, chúng sẽ làm theo.
Không cần dạy trẻ cách ứng xử có văn hóa nơi cộng cộng khi người lớn biết bỏ rác đúng nơi quy định, đừng ngại gói vỏ kẹo cao su vào tờ giấy nhỏ và cho vào túi đợi đến thùng rác mới bỏ vào; đừng ngại nhặt một tờ giấy, cọng rác nơi thang máy hành lang, đừng ngại nói một lời xin lỗi, cảm ơn khi có lỗi hoặc được giúp đỡ dù chỉ là việc nhỏ nhất khi tính tiền hoặc nhận một đồ vật từ cô nhân viên phục vụ.
Không cần phải dạy trẻ phải biết “kính trên nhường dưới" khi người lớn biết nghe lời cha mẹ, biết tôn trọng và không cãi vã nhau. Không cần phải dạy đứa trẻ giữ lời hứa nếu người lớn luôn biết giữ lời hứa, dù là chuyện nhỏ nhất.
Tôi có đứa con nhỏ mới 2 tuổi, có một lần, tôi hứa cuối tuần tôi cho cháu đi chơi nhưng do bận rộn công việc nên tôi quên mất vì trong suy nghĩ của tôi, giá trị của việc giữ lời hứa nhỏ hơn giá trị của công việc trước mắt. Tối hôm đó khi tôi về tới nhà, con tôi không còn hồ hởi ra đón như tôi như mọi khi, nó không còn hào hứng đùa nghịch với tôi như bao ngày khác. Khi đó tôi nhận ra rằng, tôi đã dạy con mình một bài học xấu, bài học về sự thất hứa. Tôi đã chọn một lợi ích tưởng rằng lớn hơn mà không hiểu rằng lợi ích lớn nhất của lời hứa là tính cách của cả một con người.
Câu chuyện về những doanh nhân Do Thái khi nhận được một kiện hàng mà bên gửi cố ý gửi nhiều hơn như một lời tri ân vì bên gửi nghĩ rằng sẽ làm vui lòng đối tác. Nhưng thật bất ngờ là bên nhận đã kiên quyết không nhận hàng chỉ đơn giản vì không có trong thỏa thuận đã ký từ trước đó. Kiện hàng được gửi lại và bên gửi đã phải đền hợp đồng và gửi đúng số lượng như ban đầu. Nhiều người sẽ cho rằng đó là sự cứng nhắc tuy nhiên, thực tế là bởi người Do Thái luôn tôn trọng lời hứa giống như người Nhật luôn xếp hàng dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Từ đó, người Việt cũng hiểu rằng không thay đổi thì sẽ tự tụt lại phía sau so với các dân tộc khác trên thế giới.
Chúng tôi biết hội nhập là không hòa tan nhưng nếu không mở mắt học hỏi những cái hay của các dân tộc khác mà cứ manh mún cục bộ thì sẽ bị lùi bước trong thê thảm.
Chúng tôi tự hào vì truyền thống lịch sử, những nhân vật xuất chúng nhưng người Việt sẽ không ngủ quên bằng hào quang chói lọi của lịch sử, không ăn bám vào những kỳ tích của cha ông. Tôi tin rằng, khi người lớn thay đổi thì những đứa trẻ cũng sẽ thay đổi và mỗi người dân sẽ tiếp tục được tự hào vì là người Việt Nam.


http://m.doisongphapluat.com/giao-duc/thu-cua-mot-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-dap-tra-du-hoc-sinh-nhat-a27110.html

Lời nói đầu - Thói ngụy biện ở người Việt.

Trong xã hội hiện đại, khi kinh tế tri thức là đang hiện hữu như là tương lai của nhân loại, thì việc trở thành một con người tri thức là một nhu cầu cấp thiết của mỗi người trong xã hội.
Để dân tộc Việt Nam mạnh hơn không có cách nào khác là mội người Việt Nam phải mạnh hơn (trên cơ sơ tri thức chứ không phải cơ bắp). Đó chính là con đường mà Phan Chu Trinh đã vạch ra từ thế kỷ trước:"Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh."
Để thực hiện con đường đó, nhiều người Việt Nam đã đóng góp bằng rất nhiều cách khác nhau, trong đó có những người tôi vô cùng kính nể như nhà văn Nguyên Ngọc, người đã mở ra trường đại học Phan Chu Trinh, hay anh Nguyễn Quang Thạch người hết lòng xây dựng các thư viện sách dành cho nông thôn.

Với khả năng giới hạn của mình, tôi biết tôi không thể so sánh với những vị trên, nhưng không thể làm như họ không có nghĩa là không có cách nào đòng góp cho con đường vĩ đại đó. Vì thế tôi làm Blog này được viết với mục đích vạch ra những vấn đề ngụy biện thường gặp của chúng ta. Bởi tôi thấy rằng ngụy biện chính là rào cản lớn nhất của con người muốn tiếp cận tri thức một cách khoa học. Xóa bỏ được sự ngụy biện trong nhận thức không chỉ giúp bạn học tập tốt hơn mà còn giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống, có cách giao tiếp với mọi người xung quanh chân thành và cởi mở hơn.


Để kết thúc lời mở đầu của blog này, tôi xin copy dưới đây toàn bộ bài viết "Thói ngụy biện ở người Việt" từ blog của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về đây, để những ai chưa hiểu thế nào là ngụy biện có một cái nhìn rõ ràng hơn về nó. Bài viết này cũng có thể coi như một cuốn từ điển về ngụy biện để mỗi khi gặp vấn đề khó phân biệt là ngụy biện, chúng ta cùng nhìn vào.


-------------------------------------------------------------------------

Thói ngụy biện ở người Việt

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/05/thoi-nguy-bien-o-nguoi-viet.html
Tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu được trong một xã hội văn minh. Ở nhiều nước, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Ở các nước phương Tây, hầu như ngày nào báo chí cũng có những bài của những cây bỉnh bút tranh luận về một vấn đề nóng nào đó. Trên tivi cũng có những cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai hay nhiều người về những chủ đề từ “đại sự” đến những vấn đề tưởng như nhỏ nhất. Trong các hội nghị khoa học, trước một vấn đề còn trong vòng nghi vấn, người ta cũng có những chuyên gia tranh luận dưới dạng những bài giảng khoa học.

Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi.


Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải tập trung vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng, phải sẵn sàng chấp nhận những quan điểm không được nhiều người ưa chuộng, và phải ý thức được định kiến và chủ quan của chính mình. Khi tranh luận phải nhất quán là chỉ xoay quanh chủ đề bàn luận, luận điểm bàn luận chứ không đi lạc đề. Không công kích vào cá nhân và nhân thân của người tham gia tranh luận.

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc có ý nghĩa, và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này, nhất là đối với người Việt vốn chưa quan với văn hóa tranh luận. Do đó, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của những cuộc tranh luận giữa người Việt rất thấp. Chỉ cần xem qua những cái-gọi-là “tranh luận” trên các diễn đàn báo chí (và nhất là các “chat room” hay blog), người ta có thể thấy đó không phải là tranh luận, mà là những cuộc đụng độ giũa các cá nhân tham gia tranh luận, những cuộc chửi bới, chẳng có lí luận của người tranh luận. Ngoài ra, đối với một số người tham gia bình luận về một câu chuyện nào đó là một cuộc dàn xếp, một sự đóng kịch, nhằm tung hỏa mù hoặc lên lớp, hoặc a dua theo đám đông. Đó là những kịch bản ngớ ngẩn đến tội nghiệp. Ngớ ngẩn là vì người xuất hiện chẳng nói được gì cho đầy đủ, mà cũng chẳng phân tích một vấn đề gì cho đến nơi đến chốn.

Thật vậy, rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận giữa người Việt chỉ là những cuộc chửi lộn, mà trong đó người ta tha hồ vung vít, ném liệng vốn liếng chữ nghĩa qua lại một cách hỗn độn, mà chẳng cần để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận là gì. Hơn nữa, rất dễ dàng nhận thấy rằng trong các cuộc tranh luận đó người ta nhắm vào mục tiêu là nhân thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ của người đó. Thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu, và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ. Trong hầu như những tranh luận, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo cao đức trọng cả bằng cách gắn cho đối phương những danh từ và tính từ mang tính miệt thị, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc thay vì là một trao đổi khoa học.

Thực ra, đó là một hình thức ngụy biện, một lỗi lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng trong tranh luận. Nói một cách đơn giản, ngụy biện là những nhầm lẫn trong lí luận và suy luận. Ngụy biện khác với logic. Logic, nói một cách ngắn gọn trong trường hợp này, là những qui ước quản lí tính nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ. Giới triết học Tây phương đã bỏ khá nhiều công sức để phân biệt thế nào là logic và thế nào là ngụy biện. Aristotle có lẽ là một nhà logic học đầu tiên có công phát triển các qui tắc và hệ thống suy luận. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra nhiều lỗi lầm mà sau này người ta quen gọi là những “ngụy biện.” Mặc dù Aristotle là một nhà nhà logic học đầu tiên có công liệt kê và phân loại những loại ngụy biện, thầy của ông (Plato) mới xứng đáng được vinh danh như là một nhà triết học đầu tiên đã có công sưu tầm những ví dụ về ngụy biện. Kể từ khi Plato và Aristotle, đã có khá nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, và Arthur Schopenhauer cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu về ngụy biện.

Điều đáng chú ý là những lỗi lầm về ngụy biện ở người Việt lại hay thấy trong giới có học. Chỉ cần điểm qua báo chí, websites, blog, v.v... chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều cái-gọi-là "tranh luận" thật ra chỉ là ngụy biện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết đó là những ngụy biện, mà thậm chí còn hết lời khen ngợi kẻ ngụy biện là ... uyên bác! Điều này cho thấy trong những người Việt học cũng có người rất lười biếng suy nghĩ và chẳng phân biệt được thật và giả, không có khả năng nhận dạng được ngụy biện. Phải ghi nhận một điều là internet đã rất tuyệt vời, vì qua những "tranh luận" và chửi bới của những kẻ tham gia trên internet, chúng ta biết được bộ mặt xấu xí đằng sau những người mang nhãn mác "trí thức" hay "có học". Những kẻ này tương đối nguy hiểm, vì với cái nhãn mác "có học" đó, họ có cơ hội làm lũng đoạn xã hội và trở thành những con vi khuẩn làm nhiễm trùng nền học thuật nước nhà. Do đó, cần phải giúp họ nhận ra đâu là ngụy biện và đâu là logic.

Thực ra, nhận dạng ngụy biện không phải là một việc làm khó khăn. Nói chung chỉ với một lương năng bình dân, người ta có thể phân biệt một phát biểu mang tính ngụy biện với một phát biểu logic. Tuy nhiên, cũng có nhiều dạng thức ngụy biện mà vẻ bề ngoài hay mới nghe qua thì rất logic, nhưng thực chất là phi logic. Những loại ngụy biện núp dưới hình thức “khoa học” này không dễ nhận dạng nếu người đối thoại thiếu kiến thức về logic học hay thờ ơ với lý lẽ. Do đó, một điều quan trọng trong tranh luận là cần phải phát hiện và nhận dạng những hình thức ngụy biện, và quan trọng hơn, cần phải hiểu tại sao chúng sai. Có thể phân loại ngụy biện thành nhiều nhóm khác nhau liên quan đến việc đánh lạc vấn đề, lợi dụng cảm tính, thay đổi chủ đề, nhầm lẫn trong thuật qui nạp, lý luận nhập nhằng, phi logic, và sai phạm trù. Trong khuôn khổ giới hạn, người viết bài này không có tham vọng trình bày tất cả những loại ngụy biện một cách chi tiết (vì việc này đã được hệ thống hóa trong nhiều sách về logic học), mà chỉ muốn liệt kê ra những loại ngụy biện thường hay gặp trong báo chí và truyền thông, hầu giúp bạn đọc có thể phân biệt giữa chân và giả.

Liệt kê sau đây là một loạt những ngụy biện phổ biến hay thấy ở người Việt. Những ngụy biện này có thể phân thành 7 nhóm như sau:

• Đánh tráo chủ đề
• Lợi dụng cảm tính và đám đông
• Làm lạc hướng vấn đề
• Qui nạp sai
• Nhập nhằng đánh lận con đen
• Phi logic
• Các nhầm lẫn khác

Nhóm 1. Đánh tráo chủ đề

1. Công kích cá nhân 
(ad hominem). Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, thấp kém nhất, nguy hiểm nhất, nhưng có “công hiệu” nhất, vì nó tấn công vào cá nhân của người tranh luận, và tìm cách trốn tránh luận điểm của cá nhân đó. Hình thức ngụy biện này thường xuất hiện dưới dạng: Ông A phát biểu về một vấn đề; ông B tấn công vào cá nhân ông A, và làm cho người ta nghi ngờ luận điểm của ông A. Tuy nhiên, có thể không có mối liên hệ nào giữa cá nhân và luận điểm của ông A.

Có hai hình thức thuộc loại ngụy biện này. Thứ nhất là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như “Ông nói là những người vô thần có đạo đức, vậy mà chính ông là người từng li dị với vợ con,” hay “Ông là người làm kinh tế, không biết gì về khoa học, mà nói chuyện khoa học”. Đây là một ngụy biện, bởi vì sự thật của phát biểu không tùy thuộc vào cá nhân của người phát biểu, mà là logic của lời phát biểu. Cũng nằm trong loại ngụy biện này là thói dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh học của Tây có vài chữ mà đã quay lại chửi bới đồng nghiệp à? Anh là con công cháu cha, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ của chúng tôi.”

2. Lợi dụng quyền lực (ad verecundiam). Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như “Isaac Newton là một thiên tài, và ông tin vào Thượng đế,” làm như ông Newton là người có thẩm quyền để chúng ta tin vào Thượng đế. Thẩm quyền không thuyết phục được ai; chỉ có sự thật, lí lẽ và logic mới quan trọng và có khả năng thuyết phục.

3. Lợi dụng nặc danh. Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Giới công an hay sử dụng ngụy biện này, ví dụ như “Một viên chức tình báo cho biết chính anh từng hoạt động cho địch.”

4. Lợi dụng tác phong. Loại ngụy biện này dùng tác phong hay cách làm việc hay một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về tính hợp lí của phát biểu. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là những phát biểu như “Nixon thất cử vì ông ta thường hay ra mồ hôi trên trán,” hay “Tại sao anh không nghe theo lời khuyên của anh chàng ăn mặc bảnh bao đó?” Thực ra, “bảnh bao” và “mồ hôi trên trán” chẳng có dính dáng gì đến vấn đề đang bàn thảo.

5. Luận điệu cá trích. Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Ví dụ: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình thức không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao? Gia đình của nạn nhân sẽ nghĩ gì khi họ thấy tên sát nhân người thân của họ bị giam giữ trong nhà tù bằng đồng tiền của chính họ. Họ có nên nuôi dưỡng những tên sát nhân như thế không?”

6. Luận điệu ngược ngạo. Bằng chứng luôn luôn là gánh nặng của người phát biểu. Do đó, tìm cách chuyển gánh nặng đó cho một người khác là một thủ đoạn của những người ngụy biện. Chẳng hạn như trong câu này “Anh nói rằng ăn nhiều mỡ không liên quan đến cholesterol, nhưng anh có thể chứng minh điều đó không?” Đáng lẽ người phát biểu phải chứng minh, nhưng công việc đó lại được chuyển cho người đối thoại!

Nhóm 2. Lợi dụng cảm tính và đám đông

7. Dựa vào bạo lực
 (ad baculum). Ngụy biện dựa vào bạo lực thực chất là một sự đe dọa, nhằm mục đích gây áp lực cho người đối thoại phải chấp nhận một kết luận nào đó. Loại ngụy biện này thưởng được giới chính khách dùng, và có thể tóm gọn bằng một câu “chân lí thuộc về kẻ mạnh”. Sự đe dọa không hẳn chỉ xuất phát từ người phát biểu, mà có thể từ một người khác. Ví dụ như “Những ai không tin vào chính sách của Nhà nước sẽ phải trả giá đắt”, hay “Được rồi, tôi đã biết số điện thoại của anh và biết anh đang ở đâu. À, tôi có nói cho anh biết là tôi mới mua một cây súng ngắn chưa nhỉ?”

8. Lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam). Đây là một loại ngụy biện dựa vào lòng trắc ẩn của người đối thoại để người đối thoại chấp nhận lí lẽ của mình. Ví dụ như “Anh ấy không có giết người bằng búa. Làm ơn đừng tuyên án anh ấy có tội, anh ấy đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng tinh thần,” hay “Tôi hi vọng anh sẽ chấp nhận đề nghị này, chúng ta đã tiêu ra ba tháng nay để bàn rồi đấy.”

9. Lợi dụng hậu quả (ad consequentiam). Ngụy biện loại này thường được biểu hiện qua cách phát biểu “A hàm ý B, B là sự thật, do đó A là sự thật”. Ví dụ: “Nếu vũ trụ được một đấng chí tôn thượng đế tạo nên, chúng ta có thể thấy những hiện tượng được tổ chức một cách thứ tự. Và hiện tượng chung quanh chúng ta quả rất thứ tự, vậy đấng chí tôn thượng đế chính là người tạo nên vũ trụ,” hay “Anh phải tin vào Đảng Cộng hòa, chứ nếu không cuộc đời này sẽ chẳng có ý nghĩa” (hay là nói một cách ngược lại: cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì nếu không có Đảng cộng hòa!)

10. Lạm dụng chữ nghĩa. Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Chẳng hạn như trong câu “Bất cứ một người có lương tri nào cũng phải đồng ý rằng về Việt Nam ăn Tết là làm lợi cho cộng sản,” chữ “lương tri” được cài vào nhằm cho người đối thoại phải nghiêng theo những người có lương tri.

11. Dựa vào quần chúng (ad numerum). Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.”

Nhóm 3. Làm lạc hướng vấn đề

12. Lí lẽ chẻ đôi
. Loại ngụy biện này thường phân định một vấn đề thành hai giá trị: trắng và đen, bạn và thù, có và không, v.v.. dù trong thực tế, có hơn hai lựa chọn. Chẳng hạn như “Hoặc là anh hợp tác với tôi hay là anh chống tôi, anh chọn hướng nào, yes hay là no?”

13. Lí lẽ ngờ nghệch (ad ignorantiam). Loại ngụy biện này, như tên gọi ám chỉ, xuất phát từ sự ngớ ngẩn. Một trong những cách nói thông thường nhất trong loại ngụy biện này mà giới ngụy biện hay dùng là nếu một điều gì đó chưa được chứng minh là sai (hay giả) thì điều đó là đúng (hay thật). Ví dụ: “Bởi vì các nhà khoa học chưa chứng minh dioxin có thể gây ra dị thai, do đó dioxin không thể gây ra dị thai,” hay kiểu lí luận của “nền kinh tế phát triển và xã hội ổn định mấy năm nay, không có lý do gì phải cần đến dân chủ”.

14. Lí luận lươn trạch. Loại ngụy biện này cho rằng nếu một sự kiện xảy ra, các sự kiện có hại khác sẽ xảy ra. Chẳng hạn như “Nếu chúng ta hợp pháp hóa cần sa, công chúng sẽ bắt đầu hút cần sa, và chúng ta cũng sẽ phải hợp pháp hóa á phiện. Rồi chúng ta sẽ là một quốc gia với những người ăn bám vào xã hội. Do đó, chúng ta không thể hợp pháp hóa á marijuana”. Hay một đoạn ví dụ khác:” Tiếc thay một cuộc cải cách về kinh tế, bình bị, tài chánh, xã hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ: bị tan vỡ, bị huỷ bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại việt của Vương An Thạch. Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng cứ muôn đời mặt trời vẫn nở phương Đông chứ không ngả về Tây như hồi thế kỉ 18 cho đến nay bao giờ.”

15. Mệnh đề rời rạc. Đây là loại ngụy biện dùng hai (hay nhiều hơn hai) mệnh đề chẳng dính dáng gì với nhau để làm thành một phát biểu hay kết luận. Ví dụ: “Anh ủng hộ tự do dân chủ và quyền mang vũ khí hay không?” hay “Anh đã ngưng làm ăn trái phép chưa?” Câu hỏi sau thực ra hỏi hai vấn đề “Anh từng làm ăn trái phép?” và “Anh đã ngừng hoạt động hay chưa?”
16. Đơn giản hóa. Đây là một loại ngụy biện mà người phát biểu cố tình biến một quan niệm trừu tượng thành một điều cụ thể để bắt lấy thế thượng phong trong đối thoại (nhưng là ngụy biện). Ví dụ: “Tôi để ý thấy anh mô tả ông ta là một người quỉ quyệt. Vậy tôi hỏi anh cái “quỉ quyệt” đó nó nằm ở đâu trong bộ não? Anh không chỉ ra được cho tôi; do đó, tôi có thể nói cái quỉ quyệt không có thực.”

Nhóm 4. Qui nạp sai

17. Khái quát hóa vội vã
. Loại ngụy biện này cũng khá phổ biến. Nó dùng một ví dụ hay trường hợp nhỏ và từ đó khái quát hóa cho một cộng đồng. Chẳng hạn như “Ông ấy là một tay đạo đức giả. Do đó, các bạn bè của ông ấy cũng giả dối.”

18. Khái quát hóa không đúng chỗ. Đây là loại ngụy biện mà người sử dụng chúng thường áp dụng một qui luật chung cho một tình huống hay một cá nhân. Chẳng hạn như “Người cộng sản là vô thần. Anh là người theo chủ nghĩa cộng sản, vậy anh chắc chắn là một người vô thần.”

19. Kéo dài tính tương đồng. Trong loại ngụy biện này, người dùng nó đề nghị một điều lệ chung chung, rồi áp dụng nó cho mọi trường hợp và cá nhân. Ví dụ: “Tôi tin rằng chống luật pháp bằng cách phạm luật pháp là một điều sai trái”, hay “Nhưng quan điểm đó ghê tởm lắm, vì nó ám chỉ rằng anh sẽ không ủng hộ tôi,” hay “Anh muốn nói rằng luật về mật mã cũng có tầm quan trọng tương đương với phong trào giải phóng sao? Sao anh dám nói thế?”

20. Lí lẽ quanh co. Loại ngụy biện này thường luẩn quẩn trong vài giả định và kết luận. Chẳng hạn như “Những người đồng tính luyến ái nhất định không thể nắm chính quyền. Do đó, phải tống khứ những viên chức chính phủ đồng tính luyến ái. Vì thế, những người đồng tính luyến ái sẽ làm mọi cách để dấu diếm hành tung của họ, và họ có nguy cơ bị tống tiền. Do vậy, những người đồng tính luyến ái không được giữa chức vụ gì trong chính phủ.” Tức là trong một lí giải như thế, cả hai giả thuyết và kết luận đều giống nhau.

21. Đảo ngược điều kiện. Loại ngụy biện này thường được biểu hiện qua hình thức “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra, do đó, nếu B xảy ra thì A sẽ xảy ra.” Ví dụ: “Nếu tiêu chuẩn giáo dục bị hạ thấp, chất lượng tranh luận sẽ bị tồi đi. Do đó, nếu chúng ta thấy chất lượng tranh luận suy đồi trong những năm sắp đến, thì điều đó cho thấy tiêu chuẩn giáo dục của ta bị xuống cấp.”

22. Lợi dụng rủi ro. Ngụy biện này thường dùng một qui luật chung và áp dụng nó cho một trường hợp cá biệt. Ví dụ: “Luật giao thông không cho anh chạy quá 50 km/h. Cho dù cha anh sắp chết anh cũng không được chạy quá tốc độ đó.”

23. Lợi dụng trường hợp cá biệt. Ngụy biện này thường dùng một trường hợp cá biệt để đem ra ứng dụng cho một đám đông. Ví dụ: “Chúng ta cho phép bệnh nhân sắp chết dùng á phiện, chúng ta nên cho phép mọi người dùng á phiện.”

24. Kết luận lạc đề. Loại ngụy biện này thường xuất hiện khi một kết luận chẳng dính dáng gì đến lí lẽ mà người biện luận trình bày. Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp ngụy biện này là: “Độ nhiễm arsenic trong nước ở Việt Nam chưa cao và còn trong mức độ cho phép. Dữ kiện của Bangladesh cho thấy tình trạng nhiễm arsenic ở Việt Nam rất trầm trọng.”

25. Ngụy biện rơm. Loại ngụy biện này cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm hay phát biểu của người khác, để làm luận điểm tấn công. Đây là một ngụy biện, vì nó không đương đầu với cái lí lẽ đang bàn. Chẳng hạn như: “Chúng ta nên ủng hộ chế độ cưỡng bách quân dịch. Người ta không thích tòng quân vì họ không muốn cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng họ cần nhận thức rằng có nhiều điều quan trọng hơn tiện nghi trong cuộc sống.”
Nhóm 5. Nguyên nhân giả tạo

26. “Post hoc”. Loại ngụy biện này phát biểu rằng hai sự kiện xảy ra, một trước và một sau, có quan hệ với nhau như nguyên nhân và hậu quả. Ví dụ: “Liên Xô sụp đổ sau khi nhà nước theo chủ nghĩa vô thần. Do đó, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa vô thần để khỏi bị suy sụp.”

27. Ảnh hưởng liên đới. Một sự kiện được cho là có ảnh hưởng đến một sự kiện khác, nhưng thực chất thì cả hai sự kiện đều có cùng một nguyên nhân. Đây cũng chính là một trường hợp ngụy biện dưới dạng “post hoc”. Ví dụ: “Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng thất nghiệp rất cao, vì do thiếu nhu cầu của người tiêu thụ.” (Nhưng có thể cả hai sự kiện có nguyên nhân từ tiền lời quá cao.)

28. Ảnh hưởng không đáng kể. Đây là một loại ngụy biện mang tính phóng đại từ một ảnh hưởng rất nhỏ. Chẳng hạn như “Hút thuốc gây ra ô nhiễm môi trường ở Sydney” là một phát biểu đúng, nhưng ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường rất khiêm tốn khi so với ảnh hưởng của khói xe và các hãng xưởng.

29. Ảnh hưởng ngược chiều. Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả bị đảo ngược chiều để tìm đến một kết luận mang tính ngụy biện. Ví dụ: “Ung thư gây ra thói quen hút thuốc lá”.
30. Nguyên nhân phức tạp. Một sự kiện xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng người ngụy biện có thể đơn giản hóa thành một liên hệ đơn giản. Chẳng hạn như “Tai nạn xe cộ là do đường xá xấu” có thể đúng, nhưng tai nạn cũng có thể do người lái xe ẩu trong một điều kiện xấu.

31. Nguyên nhân sai (Non causa pro causa). Loại ngụy biện này xảy ra khi một điều nào đó được cho là nguyên nhân của một sự kiện, nhưng nó chưa thực sự được chứng minh là nguyên nhân. Ví dụ: “Tôi uống một viên aspirin và cầu nguyện thượng đế, và tôi không còn bị nhức đầu. Như vậy thượng đế đã chữa trị tôi khỏi nhức đầu.”

Nhóm 6. Phi logic (non sequitur) và nhần lẫn trong tam đoạn luận

32. Phi logic. Ngụy biện phi logic thường xảy ra trong trường hợp một lí lẽ mà kết luận được rút ra từ những tiêu đề không dính dáng gì với nhau. Chẳng hạn như “Người Ai Cập đã từng làm nhiều khai quật để xây dựng những kim tự tháp, họ chắc chắn phải rất thạo về cổ sinh vật học.”

33. Loại bỏ tiền đề. Ngụy biện loại này thường xảy ra dưới hình thức “nếu A thì B, không phải A thì không phải B.” Ví dụ: “Nếu tôi ở Sydney thì tôi đang ở New South Wales. Tôi hiện không ở Sydney, do đó, tôi không ở New South Wales”.

34. Nhét chữ vào miệng người khác. Đây là một loại ngụy biện bằng cách dùng kĩ thuật phỏng vấn. Một trường hợp cổ điển là “Ông đã ngưng đánh vợ chưa?” Tức là một câu hỏi với một giả định rằng người được hỏi từng hành hung vợ. Đây là một mẹo mà giới luật sư thường hay dùng trong thẩm vấn. “Ông dấu tiền ăn cắp đó ở đâu?” Giới chính khách cũng thích mẹo này, đại khái như “Bao giờ thì nhóm EU này sẽ không còn xâm phạm vào công việc của chúng ta?”
35. Ngụy biện tứ ngữ. (Một tiêu chuẩn của tam đoạn luận gồm có 3 chữ). Ví dụ như trong câu phát biểu “Tất cả chó là thú vật, và tất cả mèo là loài động vật có vú, do đó tất cả chó là loài động vật có vú,” có bốn chữ: chó, mèo, động vật, và động vật có vú.

36. Đứt đoạn. Hai sự vật riêng biệt được xem là có liên hệ nhau nếu chúng có chung đặc tính. Người ngụy biện lợi dụng chữ giữa của một phát biểu để đưa đến một kết luận sai. Chẳng hạn như trong câu “Tất cả người Nga là nhà cách mạng, và tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ cũng là nhà cách mạng, do đó, tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ là người Nga,” chữ chính giữa là “nhà cách mạng”. Nhưng kết luận này sai, vì dù những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và người Nga là những người cách mạng, nhưng họ có thể là hai nhóm cách mạng khác nhau.

Nhóm 7. Các nhầm lẫn khác

37. Dẫn chứng bằng giai thoại. Một trong những ngụy biện phổ biến nhất và đơn giản nhất là dựa vào những câu chuyện có tính vụn vặt, hay giai thoại. Chẳng hạn như “Có hàng khối bằng chứng cho thấy thượng đế hiện hữu và vẫn ban phép mầu hàng ngày. Mới tuần rồi đây, tôi có đọc được một câu chuyện về một cô gái sắp chết vì ung thư, cả gia đình cô đi cầu nguyện trong nhà thờ, và chỉ vài ngày sau cô hết bệnh.” Dùng kinh nghiệm cá nhân để minh họa cho một luận điểm là một điều hoàn toàn hợp lí, nhưng dùng những giai thoại như thế sẽ chẳng chứng minh gì. Một anh bạn có thể cho rằng anh từng gặp Elvis ở một siêu thị nào đó, nhưng những người chưa gặp Elvis bao giờ thì cần nhiều bằng chứng xác thực hơn.

38. Lợi dụng cổ tích. 
Đây là một loại ngụy biện cho rằng những gì đúng hay tốt chỉ đơn giản vì chúng là cổ xưa, và những người theo cách ngụy biện này thường nói “hồi nào đến giờ ai cũng vậy.” Chẳng hạn như “Hàng trăm năm nay, Úc chịu dưới sự cai trị của Hoàng gia Anh, và là một nước thịnh vượng. Một thể chế tồn tại lâu dài như thế ắt phải là một thể chế ưu việt.”

39. Dựa vào cái mới (ad novitatem). Ngược lại với loại ngụy biện dựa vào cái cũ, ngụy biện dựa vào cái mới cho rằng một điều gì đó tốt hơn và đúng hơn đơn giản chỉ vì nó mới hơn cái khác. “Windows 2000 phải tốt hơn Windows 95, Windows 2000 mới được thiết kế lại năm ngoái.”
40. Lí lẽ của đồng tiền. Loại ngụy biện này thường dựa vào một niềm tin duy nhất rằng đồng tiền là một tiêu chuẩn của sự đúng đắn. Những người có nhiều tiến có khả năng đúng hơn những người ít tiền. Chẳng hạn như “Nhu liệu của hãng Microsoft đương nhiên là tốt hơn; nếu không thì làm sao Bill Gates có thể trở nên tỉ phú như thế”.

41. Dựa vào cái nghèo. Ngược lại với ngụy biện dựa vào sự giàu có, có một loại ngụy biện khác dựa vào sự nghèo khổ. Chẳng hạn như “Các vị sư có khả năng hiểu thấu được ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì họ từ bỏ mọi xa hoa của cuộc sống.”

42. Điệp khúc (ad nauseam). Loại ngụy biện này cho rằng một lí lẽ càng được lặp đi lặp lại nhiều chừng nào thì nó sẽ được người ta chấp nhận là đúng. Do đó, người ngụy biện thường chỉ lặp đi lặp lại những phát biểu, bất kể đúng sai ra sao, cho đến khi người đối thoại mệt mỏi không còn muốn nghe nữa, như “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lí”.

43. Lạm dụng thiên nhiên. Đây là một ngụy biện rất thông thường trong giới chính trị gia, mà trong đó họ tìm cái tương đồng giữa một kết luận nào đó và một khía cạnh của thế giới tự nhiên, rồi từ đó phát biểu rằng kết luận đó là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như “Đặc điểm của thế giới tự nhiên là cạnh tranh; động vật đấu tranh chống nhau để làm chủ tài nguyên thiên nhiên. Chủ nghĩa tư bản, một hình thức cạnh tranh để làm chủ tư liệu, chỉ đơn giản là một phần của con người sống trong thế giới tự nhiên. Đó cũng là cách mà thế giới tự nhiên vận hành.”

Một hình thức khác của lạm dụng thiên nhiên là lí luận cho rằng bởi vì con người là sản phẩm của thế giới tự nhiên, chúng ta phải bắt chước hành động theo những gì chúng ta thấy trong thế giới tự nhiên, và làm khác đi là “phi tự nhiên”. Ví dụ: “Đồng tính luyến ái dĩ nhiên là không tự nhiên.”

44. Ngụy biện “anh cũng vậy”. Đây là một trong những ngụy biện rất phổ biến. Nó dựa vào lí lẽ rằng một hành động có thể chấp nhận được bởi vì người đối nghịch đã làm. Chẳng hạn như “Anh là một người lừa dối.” “Rồi sao? Anh cũng là một tay lừa dối vậy.”

45. Lạm dụng thống kê. Thống kê thường được giới ngụy biện sử dụng tối đa, vì theo họ thống kê có thể dùng để “chứng minh” bất cứ điều gì. Người ta có thể vặn vẹo hai con số 1 và 3 điểm để sản xuất những phát biểu như “khác nhau 2 điểm”, “cao gấp 3 lần”, hay “tăng 200%”; người ta có thể dựa vào ý kiến đồng tình của 4 người trong 5 người để cho là “80% người được thăm dò”, hay thậm chí “đa số cộng đồng” đồng ý với một luận điểm nào đó. Tức là những khái quát hoá một cách vội vã, hay dựa vào một mẫu số cực kỳ thấp, thấp đến độ nó không có nghĩa lí gì. Thực ra, thống kê không chứng minh điều gì cả. Thống kê chỉ là một phương tiện hay thuật toán dùng để loại bỏ những trường hợp khả dĩ hay không khả dĩ. Vì có quá nhiều ngụy biện thống kê, nên vấn đề này sẽ được bàn tiếp trong một dịp khác.

Nhận xét

Có thể nói những loại ngụy biện trên đây có những đặc điểm chung là (a) phát biểu không dựa vào lí lẽ logic; (b) các định đề không vững để đi đến một kết luận; và (c) đưa ra giả định không đúng. Ngụy biện, do đó, nói cho cùng, là một sản phẩm của sự lười biếng suy nghĩ. Và hầu như trong chúng ta, ai cũng có ít nhất là một lần lười suy nghĩ. Do đó, nếu điểm qua những loại ngụy biện trên đây, chúng ta tự cảm nhận rằng trong quá khứ mình chắc cũng có lần phạm vào lỗi lầm của ngụy biện. Điều này có thể đúng, và không nên lấy làm ngạc nhiên, vì các nhà thông thái, và ngay cả giới có huấn luyện về logic học cũng đôi khi, vì cố ý hay vô tình, ngụy biện. Giới chính trị gia và truyền thông là những người cực kì nổi tiếng về ngụy biện.

Nhưng tại sao những ngụy biện vẫn còn có mặt trên báo chí? Theo tôi, bởi vì chúng vẫn có khách hàng. Vẫn có người, dù ít hay nhiều, tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận nhĩ, trơn tru, và nhất là không thách thức. Sờ một hòn đá trơn tru đem lại cho chúng ta một cảm giác khoan khoái dễ chịu hơn là sờ một hòn đá lởm chởm, hay ngồi trên một cái ghế ghồ ghề. Người ta thích sự trơn tru, bởi vì trơn tru là dấu hiệu của sự khoan khoái, dễ chịu, là cái khoảng thời gian giải lao, không cần sự thách thức.

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng không đến nỗi tệ, bởi vì những ngụy biện phản ánh sự thành công [hay có người nói sự phong phú] của ngôn ngữ trong việc tách rời giữa những gì thô thiển, gồ ghề với những gì hoàn thiện, mĩ miều. Nhưng sự trơn tru của các vật thể và ngôn ngữ ngày nay đem lại cho chúng ta một cảm giác giả tạo về thế giới thực của các vật thể. Những kì kẹt xe trên đường xá mới để lộ trái tim phức tạp của một thành phố. Tương tự, một sự cố của internet sẽ nhắc nhở chúng ta về tình trạng hỗn mang và phức tạp của hệ thống thông tin điện tử. Sự hỗn mang và phức tạp là thực. Trơn tru, tròn trĩnh có thể là giả tạo. Những câu văn ngụy biện có thể chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc, thay vì cung cấp cho họ một sự thực.

Bởi vì ngụy biện là những lí lẽ mà bề ngoài có vẻ logic, nên chúng có khả năng thuyết phục những người không chịu khó suy nghĩ, nhất là những người còn mang nặng cảm tính. Điều này giải thích tại sao nhiều người tiếp nhận một cách thụ động quá nhiều những điều quái gở về thế giới chung quanh, kể cả những niềm tin tôn giáo, những mê tín dị đoan, những triết lí quái đảng, những thông tin sai lạc, v.v.. Cái tác hại của việc tiếp nhận thụ động này là nó làm cho người ta trở nên nô lệ với cảm tính, và dễ dàng trở thành những tín đồ cuồng tín của những người “lãnh đạo” chính trị hay tôn giáo.

Để không trở thành những nô lệ, cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Suy nghĩ nghiêm túc là một quá trình hoạt động tri thức nhằm ý niệm hóa, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, và đánh giá những thông tin được thu thập từ quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, lí luận, hay liên lạc, như là một niềm tin cho hành động. Cần phải dựa vào những giá trị tri thức với những đặc điểm như trong sáng, chính xác, nhất quán, có liên hệ, bằng chứng tốt, lí lẽ hợp lí, có chiều sâu, và công bằng. Tức là, trước một câu phát biểu hay một đề nghị, cần phải thẩm định lại kết cấu và nguyên tố của phát biểu hay đề nghị đó. Những kết cấu và nguyên tố này là: mục đích, vấn đề, giả định, quan niệm, bối cảnh, kết luận, ngụ ý, hậu quả, phạm vi tham khảo, và quan điểm khác.

Người Việt chúng ta thường rất tự hào về những đối thoại [mà chúng ta cho là “thông minh”] giữa Trạng Quỳnh và Chúa Trịnh ngày xưa. Nhưng nói một cách công bằng và theo tiêu chuẩn của lí luận logic, thì những trao đổi của Trạng Quỳnh hay tương tự chỉ là những ngụy biện ở trình độ thô sơ nhất. Nhưng có điều đáng buồn là những đối thoại kiểu Trạng Quỳnh, mà trong đó sự hơn thua nhau từng câu nói, bắt bẽ nhau từng chữ, vặn vẹo ý nghĩa của từng câu văn, v.v… lại đi vào sử sách, như thể để làm gương cho thế hệ sau này. Mà làm gương thật. Cho đến ngày nay, có người vẫn còn cho đó là một biểu tượng của sự thâm thúy, thông minh của dân tộc, là phản ánh sự phong phú của ngôn ngữ Việt, và đem ra ứng dụng trong tranh luận.

Theo dõi báo chí, chúng ta thấy những hình thức tấn công cá nhân (thay vì tấn công vào luận điểm), xuyên tạc ý tưởng, chụp mũ, suy luận theo cảm tính, mỉa mai, đơn giản hóa vấn đề, v.v… xuất hiện hầu như hàng ngày, có khi hàng giờ. Vì những tần số của những loại ngụy biện xuất hiện quá nhiều như thế, nó thành một sự rập khuôn. Theo thời gian, rập khuôn trở thành “truyền thống”. Hậu quả của cái truyền thống này là những ai ra ngoài cái khuôn sáo của ngụy biện đều có thể bị xem là phi chính thống, dẫn đến một lối suy nghĩ và phán xét kì quặc kiểu “anh/chị không thuộc nhóm của tôi, vậy thì anh/chị thuộc nhóm bên kia,” “anh chê ‘quốc gia’, vậy anh phải là cộng sản,” “anh khen Việt Nam, vậy anh là cộng sản,” “giọng nói anh ‘Bắc kỳ 75’, vậy anh là cộng sản,” hay “Nhà nước cho anh ra ngoài này trình diễn, chắc anh là cộng sản đi tuyên truyền”… Anh ở phía này, tôi bên kia. Nói tóm lại, đó là một lối phân định theo hai giá trị: xấu và tốt, đen và trắng, hay địch và ta một cách cứng nhắc. Cách phân định này thể hiện một sự nghèo nàn về trí tuệ, hay lười biếng suy nghĩ. Chỉ cần đặt vấn đề ngược lại một chút, hay phát triển vấn đề xa hơn một chút, ai cũng có thể thấy lối phân chia có/không này không thể đem đến một đáp số cho một vấn đề nào cả.

Trong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.